Thời tiết thay đổi, nóng lạnh thất thường, công việc căng thẳng là những nguyên nhân khiến nhiều người bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên. Ghi nhận tại Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Bạch Mai, sau thời gian điều trị bằng phương pháp Đông y, các bệnh nhân phục hồi nhanh chóng, da mặt trở nên hồng hào, săn chắc.
Bệnh nhân hài lòng, thích thú với liệu pháp y học cổ truyền
Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên còn gọi là liệt mặt, y học cổ truyền gọi là “khẩu nhãn oa tà”, “diện than”. Đây là tình trạng khá phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và do nhiều nguyên nhân gây nên. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không chữa trị kịp thời có thể để lại di chứng lâu dài gây mất thẩm mỹ.
Phương pháp châm cứu điều trị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên
Bệnh nhân nữ 58 tuổi, Sầm Sơn, Thanh Hoá cho biết, buổi sáng ngủ dậy, đánh răng rửa mặt thì thấy mặt bị lệch phía bên phải, khó xúc miệng và nước bị chảy ra ở khoé miệng. Tại Khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Bạch Mai người bệnh được điều trị bằng phương pháp châm cứu. Sau khoảng 5 ngày, mặt đã trở lại cân đối, ổn định, được xuất viện. Bệnh nhân chia sẻ rất thích thú với phương pháp điều trị này, mong muốn được điều trị thường xuyên. Do đó, sau khi xuất viện, bệnh nhân có nguyện vọng được điều trị ngoại trú tại khoa.
Bệnh nhân nam 46 tuổi, Đống Đa, Hà Nội buổi sáng ngủ dậy cảm thấy mệt mỏi, sau đó đau vùng vai gáy, đau nhức nửa đầu, mặt cảm giác tê bì 1 nửa cùng với bên vai gáy bị đau. Tình trạng kéo dài khoảng 3 hôm, dù cũng đã dùng nhiều biện pháp dân gian như đánh cảm bằng trứng đồng bạc, cạo gió nhưng không thấy đỡ. Nghi ngờ liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, người bệnh có đến thăm khám tại Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Bạch Mai và được điều trị bằng phương pháp giác hơi. “Trong một thời gian ngắn, tôi thấy bệnh được chữa khỏi, người thoải mái và nhẹ nhõm hơn rất nhiều”, bệnh nhân chia sẻ.
Giác hơi mặt phương pháp điều trị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên hiệu quả, giúp da dẻ hồng hào, săn chắc
Bệnh nhân nữ 50 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội, sau một thời gian điều trị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, dù đã khỏi hẳn bệnh, chị vẫn thường xuyên tới Khoa Y học cổ truyền để được chăm sóc vai gáy và mặt. “Từ trước đến giờ, chủ yếu dùng thuốc tây để điều trị khi có bệnh, tôi không nghĩ các liệu pháp y học cổ truyền mang lại hiệu quả thần kỳ đến vậy. Trải nghiệm tại khoa, cán bộ nhân viên y tế nhiệt tình, tận tâm. Đặc biệt, không chỉ khỏi bệnh mà da mặt tôi sau điều trị, săn chắc, hồng hào như đi spa. Điều này làm tôi rất hài lòng và thích thú”.
Xử trí, điều trị dứt điểm hiệu quả bằng y học cổ truyền
Theo ThS. BS Hoàng Duy Luân, Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Bạch Mai, qua kinh nghiệm thăm khám nhiều ca bệnh bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, các dấu hiệu đầu tiên người bệnh thường thấy là mệt mỏi, đau vùng vai gáy, đau nhức nửa đầu, mặt cảm giác tê bì 1 nửa cùng với bên vai gáy bị đau. Sau đó, người bệnh sẽ thấy miệng bị méo lệch sang 1 bên, nói không tròn tiếng, súc miệng thì nước bắn ra góc miệng, không phồng má, không thổi nến hay huýt sáo được, mất rãnh mũi má, mắt nhắm không kín, mất nếp nhăn trán, chảy nước mắt, có thể thêm ù tai nhạy cảm với âm thanh, nhạt miệng mất vị giác 2/3 trước lưỡi.
Phương pháp ôn châm điều trị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên
Nguyên nhân gây bệnh liệt dây thần kinh số VII ngoại biên chủ yếu do bị nhiễm lạnh. Đây là trường hợp hay gặp nhất. Khi dây thần kinh bị nhiễm lạnh, mạch máu co lại, thiếu máu nuôi dưỡng và sưởi ấm, làm dây thần kinh bị phù nề, chèn ép. Các nguyên nhân khác do bị zona hạch gối, virut zona thần kinh khu trú, các bệnh ở nền sọ (u cầu não, u dây thần kinh), chấn thương, phẫu thuật vùng tai, xương chũm. “Đặc biệt, trong những nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số VII ngoại biên ít ai nghĩ đến là do người bệnh thường xuyên căng thẳng, thức khuya. Đây cũng là tình trạng của nhiều người trong xã hội hiện nay, nhất là người trẻ”, ThS. BS Luân nhấn mạnh.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, để điều trị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, song song với y học hiện đại sử dụng thuốc kháng viêm, bổ thần kinh sẽ kết hợp với các liệu pháp y học cổ truyền như điện châm, ôn châm, xoa bóp bấm huyệt, giác hơi, giác hơi vùng mặt. Các phương pháy y học cổ truyền này rất hiệu quả trong giai đoạn sớm.
Thư cảm ơn của người bệnh được chữa khỏi liệt dây thần kinh số VII ngoại biên
ThS. BS Luân cũng cho biết thêm, không chỉ điều trị tại bệnh viện, các bác sĩ khoa Y học cổ truyền cũng hướng dẫn người bệnh những bài tập bổ trợ tại nhà. “Người bệnh có thể tập các động tác nhăn trán, cau mày, hích mũi, nhe răng, bĩu môi, thổi lửa, tự chườm ấm bên mặt liệt bằng túi chườm hoặc rang lá ngải cứu rồi gói vào khăn để chườm rất tốt”.
Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên do lạnh có thể phòng tránh. Để tăng sức đề kháng của cơ thể, người dân nên tập luyện thể dục thường xuyên, ăn uống điều độ, suy nghĩ tích cực, tinh thần vui tươi, sắp xếp thời gian hợp lý không tự tạo áp lực gây stress. Mùa đông ra ngoài phải giữ ấm vùng vai gáy, đầu mặt. Mùa hè, không để điều hòa lạnh thổi thẳng vào gáy, vào đầu, không tắm gội khuya. Khi có dấu hiệu bất thường, nhanh chóng đến các cơ sở y tế thăm khám và điều trị kịp thời.